NƯỚC MẮM – TÌNH YÊU LỚN CỦA NGƯỜI VIỆT

NƯỚC MẮM – TÌNH YÊU LỚN CỦA NGƯỜI VIỆT

NƯỚC MẮM – TÌNH YÊU LỚN CỦA NGƯỜI VIỆT

Người Việt tìm đến nước mắm từ bao giờ? Vì đâu mà nước mắm trở thành gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của hàng triệu người dân Việt? Tại sao một loại gia vị đơn giản lại có vai trò lớn đến vậy trong văn hóa ẩm thực Việt? Cùng tìm hiểu […]

Người Việt tìm đến nước mắm từ bao giờ? Vì đâu mà nước mắm trở thành gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của hàng triệu người dân Việt? Tại sao một loại gia vị đơn giản lại có vai trò lớn đến vậy trong văn hóa ẩm thực Việt? Cùng tìm hiểu nhé

1. Nước mắm có ở Việt Nam từ bao giờ?

Đừng vội dựa vào sự phổ biến của nước mắm ở văn hóa Á Đông mà tin rằng nước mắm có nguồn gốc từ châu Á hay Việt Nam nhé! Những giọt nước mắm đầu tiên trên thế giới được bắt nguồn từ La Mã hàng ngàn năm trước đây (tham khảo thêm bài ………..). Trong quá trình giao thương hàng hóa từ châu Âu sang các nước châu Á, nước mắm dần phổ biến và được ưa chuộng ở nơi đây. Tuy nhiên, khi mà cái nôi của nước mắm không giữ được truyền thống này vì những tệ nạn xã hội và xung đột chính trị, thì các nước châu Á lại rất biết cách gìn giữ và biến tấu nước mắm thành loại gia vị số 1 trong văn hóa ẩm thực của mình.

Mặc dù chưa có tài liệu nào ghi nhận chính xác thời điểm nước mắm xuất hiện ở Việt Nam, nhưng qua các tài liệu nghiên cứu có thể thấy được, nước mắm gắn liền với quá trình khai hoang mở đất của cha ông ta. Cuốn Việt sử đầu tiên có đề cập đến nước mắm, có lẽ là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Trong Kỷ nhà Lê, phần viết về Đại Hành hoàng đế, sách này có ghi lại sự kiện: “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia, sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thế bắt đóng góp. Đến đây, Tống Chân Tông nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa”. Đoạn sử liệu này cho thấy muộn nhất là vào trước năm 997, người Việt đã biết làm và dùng nước mắm và nước mắm đã được lưu vào sử sách.

2. Tình yêu nước mắm của người Việt

Ngay cả từ chục năm trước đây, số liệu của Từ điển Bách khoa Việt Nam đã thống kê được rằng mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 150 –170 triệu lít nước mắm các loại. Từ con số này, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân tính nhẩm: “… trừ đi một ít dành cho người phương Tây đang dùng thử, đổ đồng dân Việt mỗi năm, vào độ ấy, đã cho gần 2 lít nước mắm vào người, trung bình mỗi ngày trên dưới 10 giọt”. Thế mới biết người Việt “ghiền” nước mắm đến cỡ nào.

Không một ai có thể phủ nhận văn hóa nước mắm của người Việt. Cuốn “Đông phương phong tục văn hóa từ điển” do các nhà nghiên cứu Trung Quốc biên soạn còn nêu nước mắm như là một trong 4 món ẩm thực tiêu biểu của người Việt. Bốn món này xếp theo thứ tự là: nước mắm, thuốc lào, bánh chưng và trầu cau.

Nước mắm cũng được cả người phương Tây đưa vào sử sách của họ. Trong cuốn hồi ký Xứ Đàng Trong của Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng sống ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, có một đoạn như sau: “Người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước ‘sốt’ gọi là ‘balaciam’ làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum vại như tại nhiều nơi ở châu Âu người ta dự trữ rượu”

Phải nói cái duyên của nước mắm và người Việt là duyên trời định. Bởi lẽ sau ngần ấy năm, nước mắm không hề bị mai một đi mà còn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và văn hóa của họ. Ít ai có thể hình dung một bữa cơm Việt lại có thể thiếu vắng nước mắm. Nước mắm đóng mọi vai trò trong bữa ăn, vừa là gia vị nêm nếm, vừa là món ăn, vừa là một thứ thực phẩm chức năng giúp bổ sung dinh dưỡng cho người Việt, thậm chí, trong một số trường hợp, nước mắm còn là dược liệu để trị bệnh và tăng cường sinh lực cho con người. Cho dù mâm cơm có cá thịt đủ đầy, canh rau cũng không thiếu, nhưng chỉ cần không có vị mặn mặn và mùi thơm đặc trưng của nước mắm thì xem như bữa ăn đó chưa hoàn thiện. Có người “nhịn” nước mắm nhiều hôm, cứ thấy thiếu thốn khó chịu mà không nhận ra họ đang nhung nhớ vị nước mắm trong bữa ăn. Cũng có những du học sinh xa nhà mà thấy nhớ vị nước mắm Việt ghê gớm.

Nói nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực Việt cũng không sai. Chính thứ nước thần kỳ này là thứ làm cho ẩm thực Việt khác với ẩm thực của các nước khác. Có nhiều người còn bảo rằng, bất cứ món ăn nào của Trung Hoa hoặc Pháp có sự góp mặt của nước mắm trong đó, đã trở thành món ăn Việt Nam. Cũng có người khác lúc mới tiếp xúc với văn hóa ẩm thực nước ngoài lại thích cho nước mắm vào bất cứ món mặn nào của họ, dù đó là món Tây hay món Tàu. Mỳ Ý cũng vậy, bò beefsteak cũng không thiếu, phải có thêm vài giọt nước mắm mới ngon. Giá trị của nước mắm vì thế trở nên độc nhất vô nhị trong nghệ thuật ẩm thực nói riêng, trong sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam nói chung.

Không những góp sức xây dựng văn hóa và ẩm thực người Việt, nước mắm còn đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế đối ngoại của quốc gia. Theo Bộ Nông nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có khoảng hơn 2900 cơ sở sản xuất nước mắm cung cấp cho thị trường mỗi năm 215 triệu lít trong số đó, xuất cảng từ 3-5%, đem về cho Việt nam được 15 triệu Mỹ kim/năm.

Riêng Miền Nam chiếm 46% cơ sở sản xuất trên cả nước và 39% sản lượng nước mắm ngon nhứt vì biển trong Nam ấm nên cá cho nhiều protéines hơn (nước mắm ở Trung có 3 – 4% protéines, nước mắm Phú quốc có từ 11 – 16% protéines).

Không chỉ là lợi nhuận hiện kim cho nền kinh tế nước nhà, những cơ sở nước mắm phân bố khắp các vùng miền còn giúp cung cấp việc và thu nhập cho hàng ngàn người lao động.

Chỉ sơ qua đó thôi đã thấy nếu một ngày nào đó nước mắm đột nhiên mất đi thì người Việt phải khốn khổ đến mức nào. Bởi vậy nên cũng không có gì là quá khi nhiều người ta hay nói ai không biết ăn mắm, không trân trọng nước mắm thì không phải người Việt đích thực. Nước mắm luôn là một người bạn, một chứng nhân lịch sử và một yếu tố không thể thiếu khi nói về Việt Nam