CÁCH PHA CÁC NƯỚC CHẤM NGON ĂN KÈM GỎI CUỐN

CÁCH PHA CÁC NƯỚC CHẤM NGON ĂN KÈM GỎI CUỐN

Nước chấm ăn kèm được xem là yếu tố quyết định sự ngon miệng của gỏi cuốn. Ngày xưa, người dân vẫn chỉ quen chấm gỏi cuốn với nước mắm tỏi ớt, nhưng theo thời gian, khẩu vị thay đổi cùng với nhiều biến tấu của vùng miền, công thức pha chế nước chấm được […]

Nước chấm ăn kèm được xem là yếu tố quyết định sự ngon miệng của gỏi cuốn. Ngày xưa, người dân vẫn chỉ quen chấm gỏi cuốn với nước mắm tỏi ớt, nhưng theo thời gian, khẩu vị thay đổi cùng với nhiều biến tấu của vùng miền, công thức pha chế nước chấm được sáng tạo đa dạng hơn để phục vụ yêu cầu của người dân.

Dưới đây, Nuocmamviet.vn giới thiệu đến các bạn một vài bí quyết pha nước chấm ăn kèm gỏi cuốn mà bạn có thể tùy chọn theo khẩu vị nhé.

Nước sốt me

Chuẩn bị nguyên liệu:

– 50 gram me khô; 3 muỗng nước mắm ngon Nam Ngư.

– ½ chén nước lọc, 3 muỗng đường trắng.

– 3 tép tỏi và 3 trái ớt băm nhuyễn; 1 muỗng nước cốt chanh.

Các bước pha chế:

Bước 1: Đun sôi nước lọc rồi cho vào me khô. Bạn ngâm me trong nước sôi 5 đến 10 phút rồi dùng mặt sau muỗng dầm nhuyễn để lấy nước cốt. Sau đó đổ hỗn hợp trên lọc qua rây để bỏ phần xác.

Bước 2: Cho nước cốt me vào nồi, thêm nước cốt chanh, nước mắm nguyên chất và đường theo liệu lượng như trên, đun với lửa liu riu và khuấy đều. Sau 2 – 3 phút, hỗn hợp trên đã hoà quyện và sệt lại thì tắt bếp. Trong lúc hỗn hợp còn nóng, cho nốt tỏi ớt băm nhuyễn vào là hoàn thành.

Bạn có thể mua me khô ở siêu thị, nhưng cũng có thể thay thế bằng bột me. Tuy nhiên, bột me sẽ không mang lại vị chua thanh được như me khô. Và khi pha chế cũng có sự thay đổi về tỉ lệ. 50 gram me khô tương đương với 7 -8 muỗng cà phê bột me. Bạn nhớ gia giảm liều lượng nước để nước chấm đạt yêu cầu.

Nước mắm nêm

Chuẩn bị nguyên liệu:

– 110 gram mắm nêm (tương đương 1 chai nhỏ thường được bán ở siêu thị).

– 50 gram thơm băm nhuyễn và 50ml nước ép thơm.

– Tỏi ớt và sả băm: mỗi loại ½ muỗng. 50 gram đường trắng.

– 110ml nước lọc.

Các bước pha chế:

Bước 1: mắm nêm khi mua về cần lọc 1 lần qua rây để sánh mịn. Lần lượt nêm đường, nước lọc vào rồi nấu sôi. Sau khi hỗn hợp sôi lăn tăn thì cho nước ép thơm, tỏi và sả băm vào, khuấy đều tay.

Bước 2: Để lửa vừa cho đến khi mắm nêm sệt lại, cho ớt, thơm băm nhuyễn vào khuấy đều rồi tắt bếp.

Nước mắm chua ngọt

Chuẩn bị nguyên liệu:

– 50ml nước mắm nguyên chất Nam Ngư; 50ml nước ấm.

– 50 gram đường trắng, 30ml nước cốt chanh (tương đương 1 – 2 quả chanh)

– 1 muỗng tỏi và ớt băm nhuyễn. 1 ít rau mùi thơm cắt nhuyễn.

Các bước pha chế:

– Pha 50ml nước mắm, 50 gram đường, 50ml nước trắng đun sôi để nguội, vào chung một chén. Khuấy nhẹ cho đường tan, sau đó cho thêm tỏi ớt băm, rau thơm nhuyễn vào cùng quấy đều và thêm một lượng nước cốt chanh tùy khẩu vị.

Tương bơ đậu phộng

Đặc trưng của gỏi cuốn là kết hợp cùng mắm nêm hoặc tương bơ đậu phộng. Đa số ở các tỉnh thành đều phổ biến hai món chấm này. Tương bơ ngon, giàu dinh dưỡng thích hợp với nhiều món ăn. Với thành phần giàu đậu phộng, bơ, đỗ tương nên hương vị đậm đà, béo ngậy rất ngon.

Chuẩn bị nguyên liệu:

– 50ml nước tương đậu nành Chin-Su.

– 40 gram bơ đậu phộng. ½ lon nước cốt dừa.

– ½ muỗng ớt tươi băm nhuyễn, ½ muỗng nước cốt chanh hoặc giấm táo; 1 muỗng đường nâu.

Các bước pha chế:

– Trộn đều nước tương và bơ đậu phộng và nước cốt dừa theo liều lượng nêu trên, bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Khuấy liên tục cho đến khi thấy hỗn hợp hoà tan, sánh mịn.

– Tùy sở thích mà bạn có thể đong thêm ½ chén nước lọc để nước chấm loãng và nhạt hơn một chút. Nhớ nêm nếm lại cho vừa miệng ăn. Tắt bếp và cho nốt nước cốt chanh, ớt băm vào khuấy đều rồi thưởng thức.

Nước tương hột

Chuẩn bị nguyên liệu:

– 100 gram tương hột đậu nành.

– 1 trái tắc tươi, ½ chén nước dừa tươi.

– Bột năng, dầu thực vật, tỏi ớt mỗi loại 1 muỗng; 2 muỗng đường cát.

Các bước pha chế:

– Bạn xay nhuyễn tương hột, hoặc để nguyên tùy sở thích, cho vào nồi nhỏ, thêm dầu thực vật và đun với lửa nhỏ.

– Lần lượt cho thêm nước dừa, bột năng và đường vào khuấy cho hỗn hợp trên hoà quyện.

– Thấy hỗn hợp sánh mịn thì đổ chậm nước cốt tắc vào. Tiếp tục khuấy cho đến khi hỗn hợp sôi lăn tăn thì tắt bếp.

– Trước khi dùng, bạn cho nốt tỏi ớt băm vào để bổ sung thêm vị cay nồng cho món nước chấm.

Hầu hết các loại nước chấm tự pha có thể bảo quản được vài ngày trong ngăn mát tủ lạnh và được bọc bởi màng bọc thực phẩm. Nước chấm ăn kèm là yếu tố quyết định độ ngon của gỏi cuốn, vì vậy pha nước chấm đúng điệu sẽ làm món ăn thêm ngon miệng. Có rất nhiều cách để tạo ra một món chấm, chỉ cần biến tấu thành phần một chút là bạn đã sáng tạo thêm một công thức mới phù hợp với khẩu vị gia đình mà món chính vẫn giữ được mùi vị đặc trưng.

Chúc các bạn thành công với những gợi ý Nuocmamviet.vn mang đến nhé.