CÁCH NẤU BÁNH CĂN CHUẨN VỊ ĐÀ LẠT ẤM LÒNG NGÀY MƯA

CÁCH NẤU BÁNH CĂN CHUẨN VỊ ĐÀ LẠT ẤM LÒNG NGÀY MƯA

Ai đã từng ghé thăm “phố núi” Đà Lạt thì không thể nào mà chưa thầm thương trộm nhớ món bánh căn huyền thoại. Bánh căn xuất xứ từ Campuchia, nhưng qua tay người Việt vẫn giữ được hương vị thơm ngon xao xuyến lòng người. Điều đặc biệt hơn nữa là bạn không cần […]

Ai đã từng ghé thăm “phố núi” Đà Lạt thì không thể nào mà chưa thầm thương trộm nhớ món bánh căn huyền thoại. Bánh căn xuất xứ từ Campuchia, nhưng qua tay người Việt vẫn giữ được hương vị thơm ngon xao xuyến lòng người. Điều đặc biệt hơn nữa là bạn không cần phải bắt xe lên thành phố sương mù mới thưởng thức được bánh căn mà có thể chế biến món ăn gây nhiều thương nhớ này ngay tại nhà. Bài viết sẽ hướng dẫn các bạn cách làm bánh căn chuẩn vị Đà Lạt với những hướng dẫn cực kỳ chi tiết.

1. Cách chế biến bánh căn:

a.Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh căn

Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

– Gạo: 1 kg

– Cơm khô: 1 bát

– Thịt nạc dăm: 500 gr

– Củ sắn: 1 củ

– Trứng cút: 20 quả

– Mắm nêm

– Hành tím, tỏi khô

– Hành tây, hành lá

– Gia vị: đường, hạt nêm, tiêu xay, nước mắm Nam Ngư,…

– Dụng cụ: bếp, chảo, khuôn đổ bánh căn, tô,…


b. Chế biến bánh căn:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bạn tiến hành chế biến bánh căn Đà Lạt theo các bước:

Chuẩn bị bột đúc bánh căn: 

Bánh căn thường được đúc từ bột gạo. Để chuẩn bị loại bột này, bạn vo sạch gạo, đến khi nước trong rồi thì ngâm gạo qua đêm. Ngâm xong, bạn trộn đều gạo đã ngâm với một ít cơm nguội rồi cho 2 bát nước lọc vào máy xay để xay nhuyễn thành bột.

Nếu không có sẵn máy xay, bạn có thể mua bột bánh căn ở siêu thị, đem về mở gói và trộn loãng bột với nước như trong hướng dẫn ở bao bì.

Làm dầu hẹ

– Trước tiên, bạn rửa sạch hẹ rồi cắt thành từng khúc nhỏ vừa.

– Tiếp đến, đun một nồi nước, đợi nước sôi, bạn cho phần hẹ này vào trần trong nước khoảng 1 phút rồi đổ nhanh ra rổ cho ráo nước. Nhúng nhanh hẹ qua nước lọc lạnh để giữ được màu xanh tự nhiên.

– Tiếp tục đun nóng một lượng dầu vừa phải. Đợi lúc dầu sôi rồi đổ nhanh dầu vào chén hẹ đã chuẩn bị. Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã có ngay phần dầu hẹ với độ giòn, màu xanh và mùi thơm tự nhiên.

Làm xíu mại:

– Bạn rửa sạch thịt rồi xay nhuyễn. 

– Củ sắn, hành tây: Bạn gọt vỏ, rửa sạch rồi thái hạt lựu.

– Hành tím: bóc vỏ, băm nhỏ.

-hành lá: Rửa sạch, thái nhỏ

– Tiếp đến, bạn cho thịt, hành lá, hành tây, củ sắn cùng đường, hạt nêm, nước mắm Nam Ngư và tiêu xay vào tô rồi trộn đều. Ướp hỗn hợp này trong ít nhất là 15 phút để thịt ngấm gia vị.

– Sau khi ướp, nặn thịt thành viên vừa miệng ăn rồi hấp chín.

Làm nước chấm bánh căn: 

– Trước tiên, bạn bắt chảo lên bếp và đổ vào một ít dầu. Chờ dầu nóng rồi cho phần hành, tỏi vào phi thơm. Tiếp đến, bạn trút chén mắm nêm vào nấu cho sôi. Khi nước chấm sôi, thêm 1/3 chén nước lọc vào nấu cùng. Lúc gần tắt bếp, bạn thêm các phần nguyên liệu khác như chanh, đường, tỏi tươi…với liều lượng tùy khẩu vị của bạn, 1 phút sau thì tắt bếp.

– Ngoài nước chấm mắm nêm, bạn cũng có thể pha nước chấm chua ngọt tuỳ theo sở thích của mình. Nước chấm chua ngọt đơn giản là nuớc mắm bình thường, pha thêm chút nước lọc chanh, đường, tỏi, ớt… tuỳ theo khẩu vị. Lưu ý là khi pha nước mắm chua ngọt, bạn nên sử dụng những thương hiệu mắm thiên ngọt hoặc không quá mặn như Chin-Su hoặc Nam Ngư để tránh khiến mắm có vị mặn chát.

Đổ bánh căn:

Cuối cùng thì cũng tới khâu quan trọng nhất rồi nè!

– Trước tiên, bạn đặt phần khuôn bánh lên bếp than hồng từ 3 – 5 phút cho khuôn bánh nóng. Sau đó, bạn dùng cọ phết một lớp dầu ăn lên khuôn để bánh không bị dính khi nướng.

– Khi khuôn bánh đã sẵn sàng, bạn múc một lượng bột vừa phải đổ vào khuôn (khoảng 2 / 3 khuôn là được) rồi đập trứng cút vào cùng. Để tiện hơn, bạn cũng có thể lựa chọn cách đập và trộn trứng cùng với bột trước đó (bột hòa tan cùng trứng cút sẽ vàng đượm và dễ vớt hơn nữa đấy). 

– Sau khi đổ bột vào khuôn, bạn đậy nắp lại và nướng cho tới khi ngửi thấy mùi thơm thì vớt bánh ra.

Làm gia vị ăn bánh canh: 

Xoài xanh: Bạn gọt vỏ, rửa sạch rồi thái sợi nhỏ. 

Rau sống: Bạn đem nhặt và rửa sạch rồi vẩy ráo nước.

Trình bày và thưởng thức:

Bánh căn nên được ăn ngay khi đúc xong để đảm bảo độ ngon và giòn, thơm nhất bạn nhé. 

Bạn gắp bánh căn ra dĩa. Với phần nước chấm, bạn cho xíu mại vào chén mắm nêm,thêm vào một ít dầu hẹ là được. Bạn có thể ăn bánh căn kèm với các loại chả lụa nếu thích nữa nhé!

2. Đôi điều về bánh căn:

Người ta nói ghé Đà Lạt thì không được bỏ qua bánh căn cấm có sai. Dù là món ăn được du nhập từ nơi khác đến nhưng người Đà Lạt đã khéo léo chế biến và khiến nó mang đậm dấu ấn của mình. Điều làm nên sự đặc biệt của bánh căn Đà Lạt so với bánh căn ở những vùng khác có lẽ là nước chấm được pha chế độc đáo và tỉ mỉ. Không cần cầu kỳ nhân tôm, nhân mực như bánh căn các vùng khác, chỉ cần xíu mại mỡ hành là đủ. 

Đã vậy, nếu thưởng thức bánh căn trong những buổi chiều mưa hoặc se lạnh thì phải nói là tuyệt hảo. Bánh căn nóng hổi cùng bát nước chấm chua ngọt, tê tê nơi đầu lưỡi, vị thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của bột gạo xay hòa lẫn cùng vị bùi bùi, béo béo của trứng, thêm vị đậm đà rất riêng của nước mắm, tất cả hòa quyện tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo.Cái thú co ro giữa tiết trời luôn lạnh và ẩm, nêm ớt xay cay đến hít hà, đợi từng khuôn bánh đến lượt mình… là cái thú mà ngoài Đà Lạt ra, chẳng nơi nào có được. Chả trách sao mà người Đà Lạt lại tự hào về bánh căn phố núi đến thế.

Bạn có lỡ thầm thương trộm nhớ bánh căn Đà Lạt nhưng chưa phóng ngay lên đấy để thưởng thức thì cũng không sao nhé! Vào một chiều mưa rảnh rỗi, tại sao không giành thời gian để tự tay làm và thưởng cho mình những mẻ bánh canh tuyệt vời. Chỉ cần chuẩn vị bánh căn, cần thêm chút lạnh lạnh và vài người bạn để tán gẫu là hoàn hảo rồi! Chúc bạn thành công với bánh căn Đà Lạt nhé!