Bỏ thói quen chấm chung chén nước mắm?

Bỏ thói quen chấm chung chén nước mắm?

Việc chấm chung một chén nước mắm thi thoảng vẫn là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều từ các hộ gia đình Việt. Trong mùa dịch Covid lên ngôi, chủ đề này lại được bán tán xôn xao. Vậy cuối cùng có nên bỏ thói quen này hay không? Cùng tham khảo ý […]

Việc chấm chung một chén nước mắm thi thoảng vẫn là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều từ các hộ gia đình Việt. Trong mùa dịch Covid lên ngôi, chủ đề này lại được bán tán xôn xao. Vậy cuối cùng có nên bỏ thói quen này hay không? Cùng tham khảo ý kiến và lời khuyên từ bài viết dưới đây.

1. Thói quen dùng chung chén nước mắm 

Tùy theo văn hóa mỗi nhà, mỗi vùng mà có những thói quen ăn uống khác nhau, và việc dùng chung chén nước mắm là một trong những ví dụ điển hình mà hầu như mọi hộ gia đình Việt đều có. Ngoài ra, còn một số thói quen chung đụng trong khi ăn khác như chung đũa hoặc dùng đôi đũa đang ăn của mình “khua khoắng” đồ ăn trên đĩa thức ăn…

Đây tưởng chừng là vô hại với nhiều người, nhưng nếu phân tích kỹ hơn, bạn có thể thấy được mối hiểm họa tiềm ẩn trong thói quen này. Chính xác là nguy cơ lây lan các bệnh lây qua tuyến nước bọt như viêm gan, sốt siêu vi B, cảm cúm, và đáng sợ hơn cả là Covid 19 – dịch bệnh đang khiến cả thế giới chao đảo bởi khả năng và tốc độ lây lan chóng mặt của mình.

2. Ý kiến của cộng đồng

Như đã nói, đây vốn là thói quen nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người vẫn ủng hộ thói quen này mặc cho sự hoành hành của dịch bệnh với lý lẽ: “Đây đã là văn hóa bao đời nay” hay “người Việt ăn uống thì phải như thế”, hay thậm chí còn đưa ra dẫn chứng khá hùng hồn “tôi nuôi mấy đứa con theo cách này mấy chục năm nay thì có sao đâu”.

Trong khi đó, luồng ý kiến bác bỏ thói quen ngày càng đông và mạnh hơn, cụ thể, dưới đây là một vài lý do rất thuyết phục mà cộng đồng mạng đã đưa ra:

Mỗi món ăn chung cần phải có muỗng to, đũa lớn riêng biệt để xúc hay gắp thức ăn vào bát cơm của mỗi người.

Một độc giả cho biết: “Đâu cần chờ tới có virus vorona rồi mới không chấm chung chén nước mắm. Một chén mắm mà chấm chung cả bàn ăn, một nồi lẩu mà đũa của cả bàn ăn cho vào khoắng rồi gắp thức ăn, dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác, khi gắp miếng thức ăn lên rồi không vừa ý bỏ xuống rồi dùng đũa lựa qua lựa lại chọn miếng khác là vô cùng mất vệ sinh.

Đây là ổ lây các bệnh viêm gan siêu vi B, C, cảm cúm… Một người bệnh là cả nhà bệnh. Mỗi đĩa thức ăn, tô canh hay nồi lẩu nên có một cái thìa, vá lớn dùng chung để múc thức ăn cho vào chén mỗi người. Nước chấm thì ai nấy có chén riêng, lấy ít thôi vừa đủ cho mình ăn. Hơi mắc công chút nhưng vệ sinh và an toàn cho mọi người”.

Thêm một độc giả khác góp ý: “Những điều bác sĩ nói xin mọi người áp dụng ngay và luôn, không những chỉ trong thời kỳ dịch bệnh mà ngay cả sau này. Tôi không thích những ai phát biểu “Tôi nuôi chín mười đứa con nên người bằng cách đó”. Xin thưa, những gì đúng thì nên phát huy. Những gì chưa đúng thì nên dừng lại”.

Dùng chung đũa, muỗng (gắp, múc cho nhau), chấm chung một chén nước chấm, cầm bánh trái đưa cho nhau và cả thổi chung máy đo nồng độ cồn mà không được khử trùng sau mỗi người thổi, đều có thể bị lây nhiễm virus”.

Bên cạnh đó, rất nhiều thói quen tương tự cũng được đào bới và ủng hộ bác bỏ cho sự an toàn của bản thân và những người cùng dùng bữa với mình. Vài độc giả rất ủng hộ việc “ Không dùng muỗng/đũa đang ăn của mình để lấy thức ăn chung” hay “Tuyệt đối không gắp thức ăn hay mời người khác uống rượu/nước của mình” để tránh việc các loại vi khuẩn, vi trùng rất dễ lây lan qua đường miệng.

3. Đã đến lúc thói quen cần được thay đổi:

Trước tiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc ăn chung 1 chén nước chấm thật sự gây ra nhiều vấn đề nan giải. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thúy Oanh – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa – Nội soi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chia sẻ tại Hội thảo Tầm soát Vi khuẩn HP đề phòng ung thư dạ dày, ngày 1/7/2017, việc có thói quen ăn uống chấm chung bát mắm, chung canh, chung thức ăn và “gắp thức ăn cho nhau” đều có thể làm lây vi khuẩn HP- một loại vi khuẩn có nguy cơ dẫn người nhiễm bệnh đến ung thư dạ dày.

Vì vậy, các bác sĩ cho rằng đã đến lúc người Việt phải hạn chế những thói quen xấu này trong việc ăn uống. Bạn tuyệt đối không nên chấm chung với người khác, dù nó là nước mắm, nước tương hay tương ớt. Để đảm bảo an toàn, bạn cần chuẩn bị sẵn mỗi người một chén chấm nhỏ hơn trước mỗi bữa ăn để mọi người tự dùng nước chấm riêng của mình. Điều này không có nghĩa là “đi ngược với truyền thống Việt” hay “sính ngoại, làm lố”. Nó là nền tảng của sự văn minh và an toàn, linh động theo bối cảnh xã hội. Hơn nữa, trước tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19, thói quen dùng chén chấm riêng này nên càng được khuyến khích phát triển để đảm bảo khoảng cách an toàn về vệ sinh, ăn uống. Dù biết là bước đầu thực hiện thói quen sẽ gây ra sự lạ lẫm và thậm chí “không được thân thuộc” trong bữa ăn gia đình, nhưng hy vọng lâu dần từ thói quen này sẽ trở thành nét văn hóa mới và được duy trì cả trong đời sống bình thường. Bởi lẽ nó cũng là một nét đẹp văn hóa cần được tô đậm vừa văn minh, vừa thể hiện sự quan tâm đúng đắn của các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Chốt lại, dẫu biết nhiều người trong số chúng ta vẫn vô tình xem các thói quen này vô thức đã là một phần của đời sống và không hề nhận ra nó có thể gây hại cho sức khỏe. Bạn cần nhớ rằng điều gì đó phổ biến và được nhiều người ưa chuộng không có nghĩa là nó “đúng” hay nó “nên được duy trì”. Đã đến lúc nhiều thói quen cần phải thay đổi!